phai-co-bo-xuong-khoe-de-song-manh-song-lau

‘PHẢI CÓ BỘ XƯƠNG KHỎE, ĐỂ SỐNG MẠNH SỐNG LÂU’

WESTMINSTER, California (NV) – Với đề tài về bệnh loãng xương cách làm giảm nguy cơ gãy xương, một đề tài thiết thực về y học được đồng hương hưởng ứng, đến dự thật đông tại chùa Điều Ngự, thành phố Westminster vào trưa Thứ Bảy, 28 Tháng Chín.

Người tham dự rất đông để nghe thuyết trình đề tài “Giáo dục về bệnh loãng xương’ tại chùa Điều Ngự, Wesminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi thuyết trình và thảo luận với diễn giả Bác Sĩ Ngô Bá Định, được biết đến như một chuyên gia về nội khoa, thực hành y khoa hơn 20 năm tại Quận Cam, cùng cô Michelle Navarrete, đại diện Công Ty Amgen, bảo trợ buổi thuyết trình, và cô Mai Trần, điều khiển chương trình. Sau đó là phần hỏi đáp giữa người nghe và nhận được những câu trả lời của bác sĩ diễn giả.

Trong suốt đề tài, chủ đề nổi bật nhất là bệnh loãng xương, các cách phòng ngừa, và những thông tin về thuốc Prolia của hãng thuốc Amgen để chữa trị bệnh loãng xương.

Bộ xương rất quan trọng theo thời gian, chúng ta đi càng nhiều, càng khỏe và sống lâu, khi nào không đứng lên, không đi được nữa, đó là báo hiệu cho những hành trình đi về phía hoàng hôn của cuộc đời đang ngắn lại.

Bác Sĩ Ngô Bá Định thuyết trình về bệnh loãng xương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Càng đi xa anh càng sống lâu.” Tại sao chúng ta không đi được? Vì xương chúng ta không khỏe để nâng đỡ bắp thịt nội tạng con người, và những mạng nối kết. Vậy làm sao con người đứng lên và đi được? Phải có bộ xương rất khỏe, lành mạnh, không bị gãy.

Phải có bộ xương khỏe, để sống mạnh sống lâu, có ích cho cộng đồng, xã hội chung quanh. Có đi tới đi lui được, con người mới đủ sức khỏe để hoạt động được.

Những nguy cơ nứt gãy xương nơi người gốc Việt có thể kể như: Sắc tộc Á Châu. Khung cơ thể nhỏ và gầy. Không tiêu thụ đủ canxi hoặc vitamin D. Trên 65 tuổi. Mật độ chất khoáng trong xương thấp. Nguy cơ té ngã gia tăng. Tiền sử nứt hoặc gãy xương hông từ cha mẹ. Bị gãy xương trước đây khi ở tuổi trưởng thành. Hút thuốc lá. Lối sống ít vận động.

Quang cảnh buổi thuyết trình về đề tài “Bệnh Loãng Xương” tại chùa Điều Ngự. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong suốt buổi thuyết trình, nhiều vấn đề quan trọng về xương được nêu ra như: Loãng xương là một căn bệnh làm xương yếu, dễ bị gãy; Xương tạo thành bộ khung cho cơ thể, chúng cho phép ta chuyển động và giúp bảo vệ cơ quan nội tạng. Loãng xương thường được coi là một căn bệnh thầm lặng vì không ai cảm nhận được xương của mình trở nên yếu hơn như thế nào. Nhiều người không biết rằng họ mắc bệnh loãng xương cho đến khi họ bị nứt hoặc gãy xương, và xương bị giòn từ bệnh loãng xương không phải là một phần tự nhiên của sự lão hóa.

Một nghiên cứu cho thấy Người Á Châu có nguy cơ bị loãng xương nhiều hơn các sắc dân khác. Khoảng 1 trong 5 phụ nữ châu Á từ 50 tuổi trở lên bị loãng xương trong thời kỳ hậu mãn kinh tại Hoa Kỳ. Nguyên nhân chính là vì họ có thể có một khung cơ thể nhỏ và mật độ xương thấp, và chế độ ẩm thực Á Châu truyền thống thường có hàm lượng canxi thấp, mà canxi rất cần thiết để giúp giữ cho xương chắc khỏe.

Một vấn đề khác cũng được nêu ra khi nhắc đến bệnh loãng xương liên quan đến gãy xương, khiến nhiều phụ nữ từ 55 tuổi trở lên phải vào bệnh viện nhiều hơn cả cơn đau tim, đột quỵ hay ung thư vú. Một vấn đề khác nữa là trong vòng 5 đến 7 năm sau khi mãn kinh, phụ nữ có thể mất đến 20% số xương của họ. Và 1 trong 2 phụ nữ trên 50 tuổi có thể bị loãng xương trong cuộc đời, nhất là một khi bị đã có xương bị gãy, cơ hội bị gãy xương sẽ tăng cao hơn nhiều.

Vấn đề nghiêm trọng được đặt ra là phụ nữ sau khi mãn kinh nên đặt ưu tiên cho sức khỏe, tốt nhất là đề phòng loãng xương, tránh đừng để bị té.

Người tham dự đặt câu hỏi khi nghe thuyết trình về bệnh loãng xương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chuyện thú vị nữa khi bác sĩ nhắc đến con người sau 50 tuổi trở lên, nam cũng như nữ bị giảm nội tiết tố Testosteron và Oestrogen rất nhiều, và nam giới cũng bị loãng xương nhiều hơn bệnh về nhiếp hộ tuyến, nhất là những người đã từng bị đi tù “cải tạo” sau năm 1975.

Lời khuyên của Viện Loãng Xương Quốc Gia là các phụ nữ sau khi mãn kinh và đang được điều trị nên chụp ảnh kiểm tra mật độ xương 2 năm một lần, thường được gọi là DXA. Kết quả chụp được ghi nhận với chỉ số T, điểm so sánh mật độ xương của người được chụp với mật độ xương của một người phụ nữ khỏe mạnh ở tuổi 30.

Nếu chỉ số T bằng -2.5 hoặc thấp hơn được định nghĩa là loãng xương. Chỉ số càng thấp, xương càng yếu và nguy cơ nứt hoặc gãy xương càng cao. Xét nghiệm này sẽ cho biết mật độ chất khoáng trong xương đang thay đổi như thế nào.

Trong buổi thuyết trình, một giải pháp cũng được nêu lên, đó là Prolia, là một mũi chích mỗi 6 tháng để giúp xương chắc khỏe hơn cho phụ nữ bị loãng xương trong thời kỳ hậu mãn kinh và có nguy cơ nứt hoặc gãy xương cao.

Để hiểu thêm về Prolia, phần thuyết trình tiếp theo là những thông tin an toàn khi dùng thuốc. Tốt nhất là trước khi dùng Prolia, nên thông báo cho bác sĩ biết về tất cả tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.

Phần nêu câu hỏi với nhiều vấn đề thiết thực như người ăn chay phải cần đủ những dưỡng chất nào để tránh bị loãng xương, hoặc những lúc bẻ ngón tay nghe kêu lụp bụp đó có phải là do loãng xương không, hoặc cách uống cancium hay vitamin D khác nhau như thế nào khi dùng thuốc nước hay thuốc viên, hoặc bị té gãy xương có lành được không, tất cả đều được bác sĩ diễn giả trả lời thỏa đáng. (Văn Lan)

Nguồn: nailjobsusa.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nails Express Printing For Nails Salon - Online Printing & Design Services Rao vặt dành cho tiệm nails ở Mỹ The Online Leading Printing Service Specialized in Nails Salon and Spa Industry