WESTMINSTER, California (NV) – Trung tâm thương mại Westminster Mall ngập tràn hoa lan và cây kiểng tại hành lang lầu 2, gần JC Penny’s, nơi diễn ra Hội Chợ Hoa Lan, Cây Kiểng Mùa Hè 2019 vào ba ngày cuối tuần từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật, 16-18 Tháng Tám 2019, do Hội Hoa Lan Newport Harbor tổ chức.
Nhân dịp này, Hội Hoa Lan Việt Nam cũng tổ chức một cuộc triển lãm Bonsai, cắm hoa nghệ thuật và nhiếp ảnh.
Đại diện ban tổ chức, ông Hà Bùi, cho biết: “Đây là năm thứ bảy liên tiếp chúng tôi tổ chức Hội Chợ Hoa Lan Cây Kiểng. Trong năm 2019, chúng tôi đã từng tổ chức hội chợ hoa lan vào mùa Xuân. Lần này chúng tôi tổ chức hội chợ vào mùa Hè, nhưng không phải dành riêng cho hoa lan mà tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác bao gồm cả bonsai, nhiếp ảnh, hội họa.”
“Mặc dù là hội chợ nhưng các thành viên trong Hội Hoa Lan không có ai bán hoa lan vì đa số chỉ trồng để thưởng thức. Chúng tôi chỉ tham gia trưng bày trong triển lãm. Tất cả những quầy bán hoa là của những nhà vườn ươm hoa lan tư nhân hoặc các thành viên thuộc Hội Hoa Lan Newport Harbor,” ông Hà Bùi cho biết thêm.
Vừa là thành viên của Hội Hoa Lan Việt Nam vừa là thành viên của Hội Hoa Lan Newport Harbor, ông Hà Bùi cho biết mục đích ông muốn tổ chức buổi triển lãm ở ngay thành phố Westminster mà không phải nơi khác, là để phục vụ cho đông đảo đồng hương người Việt có cơ hội thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật vào dịp cuối tuần.
Có 16 quầy bán hoa lan, mỗi quầy giống như một khu vườn mini, bày bán hàng trăm loài hoa lan khác nhau, kéo dài hàng chục mét dọc theo hành lang. Trong số đó chỉ có vài ba quầy là của chủ gốc Việt, còn lại là của người Mỹ trắng và người Hispanic.
Một trong những quầy hoa lan có số lượng hoa lan nhiều và độc đáo nhất của người Việt là thương hiệu Orchid Design của bà Angelic Nguyễn từ San Jose xuống đây tham dự hội chợ.
Nói chuyện với phóng viên báo Người Việt, bà chủ Angelic Nguyễn cho biết: “Tôi trồng hoa lan từ năm tôi 27 tuổi, đến nay là 23 năm trong nghề. Vườn lan nhà tôi rộng khoảng 10,000 sqft (foot vuông), trong đó tôi sưu tầm khoảng 400 loài lan rừng trên khắp thế giới và có vài chục ngàn loại lan hybrid (phối giống).”
“Thông thường các tiệm bán hoa lan hay phủ một lớp làm bóng lá nhìn rất đẹp mắt, nhưng chỗ tôi không làm thế, vì lớp này có hại cho cây. Những loài lan rừng, tôi đều đã trồng ít nhất một năm để cây thích nghi với môi trường khí hậu tại California, rồi mới đem bán. Những loài lan hybrid thì dùng phương pháp phối giống bằng cách thụ phấn tạo ra các hạt giống (mary mericlone) chứ không phải phương pháp dâm cành. Do vậy thời gian nhân giống lâu hơn và mất 3-4 năm cây mới ra hoa, nhưng khi ra hoa thì mỗi cây hoa có một màu sắc khác nhau, rất đa dạng.”
Bà Angelic nói thêm, hoa lan của bà, dù là hồ điệp hay vũ nữ, cũng đều có màu sắc rất độc đáo. Giá cả tùy loài hoa và kích cỡ giỏ lan, có loại nhỏ chỉ $30-$40 nhưng cũng có những giỏ lan giá lên tới $350.
Có một tiệm hoa lan khác của người Mỹ tên Andy’s Orchids, chỉ bán các loại lan bám trên các khúc gỗ chứ không để trong chậu hay giỏ nhựa. Ở đây đa số bán các giỏ lan hình dáng nhỏ xinh như quà lưu niệm, giá cả phải chăng chỉ $10-$30 nên được nhiều khách hàng dừng chân mua sắm.
Ngoài các gian hàng hoa lan, còn có các gian hàng chuyên về cây xanh trang trí trong nhà dưới dạng chậu kiểng để góc nhà, hoặc trên khay để bàn làm việc hoặc dạng giỏ treo ở hiên nhà.
Bà Hà Minh, cư dân Santa Ana, vui vẻ nói: “Đi chợ hoa lan tốn tiền quá, giỏ nào cũng muốn mua, sáng giờ tôi mua hết bảy tám trăm đô la rồi.”
“Mỗi giỏ lan mua về chưng được ba tháng mới tàn, rồi ba tháng sau nó lại ra lứa hoa mới, do đó, tính ra chưng bày hoa lan rẻ hơn là mua hoa tươi,” bà Hà Minh giải thích thêm.
Tại phòng số 2031 trong Westminster Mall, rộng hàng nghìn foot vuông, là triển lãm cây kiểng Bonsai, cắm hoa và nhiếp ảnh. Toàn bộ các tác phẩm này là của người Việt, bao gồm Hội Cây Kiểng Việt Nam, nhóm Góc Nhìn Photography và Hội Hoa Lan Việt Nam mang tới chỉ để triển lãm, không bán hàng.
Có khoảng 25 tác phẩm Bonsai kích cỡ từ nhỏ tới trung bình, đa số là các thế bonsai của loài cây tùng bách (Junifer) nhưng hiếm có nhất là loài California Junifer.
Ông Thông Phạm, cựu hội trưởng Hội Cây Kiểng Việt Nam, chia sẻ: “Tôi có duyên được gặp một nhà Bonsai người Nhật nổi tiếng về tạo thế bonsai từ cây thông California, nên mới biết về cây này. Tôi từng được cùng ông rong ruổi cả ngày trên sa mạc Mojave, cách Bolsa chừng 7 tiếng lái xe, để tìm các gốc cây thông già về làm cây kiểng. Tìm được đã khó, nhưng làm sao để cây sống được còn khó hơn rất nhiều. Mỗi lần đi như vậy, chỉ tìm được vài ba gốc, nhưng có khi về không sống một gốc nào. Tỷ lệ sống chỉ có 10% mà thôi.”
Mặc dầu khó trồng nhưng ông cho biết vườn nhà ông hiện có khoảng trên dưới 100 chậu bonsai loài thông California này. Ông trở thành một trong những người có bộ sưu tập California Junitor đồ sộ nhất ở California. “Người khác có thể họ thấy ai mua giá cao thì họ bán, có khi giá cả chục ngàn đô la. Tôi thương cây, chăm sóc nó như đứa con tinh thần. Tôi trồng để thưởng thức, để cho vui, tôi không nghĩ tới chuyện bán.”
Bên cạnh các thế tùng bách, có một chậu bonsai rất đặc biệt của ông Sam Từ, ở Rosemead, từ cây nho. Một cây nho gốc già cổ thụ, có cành sống, có cành khô đan vào nhau, thân cuồn cuộn, khắc khổ, sần sùi. Ấy thế nhưng lá thì xanh tốt và đặc biệt là chùm nho đang độ chín mọng, sai quả chĩu chịt thật “đã con mắt.”
Ông Sam Từ kể: “Tôi xin được gốc nho này từ một nông trang trồng nho làm rượu vang, nó có tuổi đời ít nhất là 30 năm. Tôi mất 7 năm để nuôi dưỡng, tạo thế, cắt tỉa, chăm sóc để nó mới có được những chùm quả sai thế này. Giống nho làm rượu nên trái nhỏ xíu, hàm lượng đường lớn hơn nhiều so với nho ăn quả thông thường.”
Ngoài bonsai, triển lãm còn có các tác phẩm cắm hoa và nhiếp ảnh. Treo trên tường là gần 50 bức ảnh của các nhiếp ảnh gia quen thuộc trong nhóm Góc Nhìn Photography, như Loan Vũ, Hiệp Vũ, Trieuhuong Nguyen… Đa số các bức tranh triển lãm có chủ đề về phong cảnh, từ phong cách chụp cận cảnh (close-up) đến chụp màn ảnh rộng panorama, chụp cảnh đường phố (street life) hoặc thiên nhiên hoang dã. Mỗi tác phẩm đều toát lên một vẻ đẹp kỳ diệu, nửa thực nửa mê.
Nghe các tác giả kể về hành trình đi rừng, leo núi, tìm kiếm địa điểm chụp, canh thời tiết, khoảnh khắc có trời mây, trăng, sao, ánh sáng mặt trời, để cho ra một bức hình nghệ thuật, đôi khi còn thú vị hơn là xem chính bức hình đó. Bởi vì nhờ thế mà ta mới hiểu được giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. (Tâm An)
Nguồn: nailjobsusa.com